Thấy nhiều người dùng vợt vớt "lộc biển" bị sóng đánh dạt vào bờ, vợ chồng anh Ban cũng tìm dụng cụ ra biển. Thoáng chốc, cả hai vớt được khoảng 20kg, ăn cả tháng không hết.
Khoảng 23h khuya, khi xung quanh chìm trong bóng tối tĩnh mịch, vợ chồng anh Đỗ Văn Ban và chị Lê Thị Hương lại rủ nhau đạp xe ra biển một lúc rồi về ngủ. Đó là một trong những thói quen mỗi ngày của cặp đôi lao động người Việt hiện sinh sống và làm việc tại tỉnh Toyama, tiểu vùng Hokuriku trên đảo Honshu, Nhật Bản.
Hai vợ chồng hiện ở căn nhà thuê cách biển chỉ 2km nên việc đạp xe đi lại cũng là thú vui. Khác với mọi lần, bãi biển hôm nay đông vui náo nhiệt dù trời đã trở về khuya. Rất đông người dân địa phương cầm sẵn đèn pin và vợt để vớt đàn mực bị sóng đánh dạt vào bờ.
Thấy vậy, hai vợ chồng cũng đạp xe về nhà lấy dụng cụ. Vật dụng để bắt mực đêm khuya rất đơn giản, chỉ gồm đèn pin, vợt lưới và xô đựng. Chỉ sau 20 phút, thành quả của cả hai là 2 xô mực đầy, ước chừng 20kg.
"Lần đầu tiên chúng tôi vớt được lộc trời như vậy. Bữa nay mực vào bờ nhiều nên mọi người ra vớt rất đông. 2 xô mực này tôi mang về chia cho bạn bè và để cấp đông ăn dần", chị Hương vui vẻ cho biết.
"Lộc biển" mà chị Hương nhắc tới là mực đom đóm, dài chỉ độ hai đốt ngón tay. Loài mực này có thể phát sáng do cơ thể sản sinh ra phốt pho, tập trung ở phần đầu xúc tu và vùng xung quanh mắt.
Vào mùa đánh bắt từ khoảng tháng 3 tới tháng 6 hàng năm, lượng mực đom đóm nhiều tới mức cả vùng nước biển rực lên màu xanh huyền ảo. Đây cũng là một trong những đặc sản của vùng biển Toyama, nơi duy nhất có bảo tàng hải dương học dành riêng cho mực đom đóm.
Theo chị Hương, nếu mua ngoài siêu thị, mỗi khay mực 10-20 con có giá khoảng 500 Yen (hơn 100.000 đồng). Với 20kg mực vớt được, chị sơ chế sạch sẽ rồi cấp đông làm thực phẩm ăn dần.
Nhà gần biển nên đôi khi anh Ban kiếm được cả thực phẩm về cho gia đình. Ảnh: NVCC
"Con mực tuy bé nhưng có vị ngọt đặc trưng, chế biến món nào cũng ngon. Cách chế biến của người Việt rất đơn giản, thường mang hấp sả, phơi nắng, xào hoặc rim nước mắm. Nhờ lộc trời, cả tháng này gia đình tôi không phải mua nhiều thực phẩm nữa", anh Ban nói vui.
Anh Ban, 27 tuổi, quê ở Quảng Ninh, sang Nhật Bản làm việc theo diện kỹ sư cơ khí vào năm 2020. Trong khi đó, chị Hương, 26 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, sang Nhật từ năm 2017, đi theo diện thực tập sinh. Lúc mới sang, chị làm trong lĩnh vực thực phẩm tại tỉnh Hokkaido.
Đến từ hai vùng quê khác nhau nhưng cơ duyên đã kết nối cặp đôi trong một lần họ cùng đi leo núi Phú Sĩ theo nhóm và tình cờ "đụng" nhau vào năm 2021. Sau 2 năm tìm hiểu, cả hai quyết định về chung một nhà. Sau đó, chị Hương tiếp tục trở lại Nhật Bản dưới diện visa gia đình, đoàn tụ theo chồng. Hiện chị chuẩn bị xin làm phụ bếp trong một viện dưỡng lão tại địa phương.
Cặp vợ chồng người Việt nên duyên nhờ một lần tình cờ cùng nhau leo núi Phú Sĩ. Ảnh: NVCC
"Nơi chúng tôi đang sinh sống là một khu vực không có nhiều người Việt, thuộc vùng nông thôn nên cuộc sống rất yên bình và giá cả không quá đắt đỏ như nhiều thành phố khác. Vì vậy, với mức thu nhập hiện tại, vợ chồng tôi cũng đủ sinh sống và dành dụm một chút gửi về biếu gia đình đôi bên", chị Hương cho biết.
Gần chục năm gắn bó với "xứ sở hoa anh đào", cô gái quê Hà Tĩnh ấn tượng nhất với tác phong làm việc khoa học và sự trung thực của người Nhật. Có lần, chị đi siêu thị và đánh rơi ví. Sau đó, cô lên báo với công ty nhờ hỗ trợ. Ngay hôm sau khi tới siêu thị, Hương nhận lại đầy đủ món đồ cá nhân của mình không thiếu thứ gì.
Ở thời điểm hiện tại, cũng như nhiều lao động Việt mưu sinh nơi xa xứ, điều khiến Hương băn khoăn nhất là việc đồng Yen mất giá. Dù Chính phủ Nhật hỗ trợ và kích hoạt các gói dịch vụ giúp cải thiện cuộc sống người lao động nước ngoài, nhưng chị Hương cho rằng vật giá leo thang, thu nhập giảm khiến nhiều người bị ảnh hưởng.
"Trước kia chúng tôi thường xuyên gửi tiền về nhà, còn thời điểm này phải hạn chế hơn. Hai vợ chồng tôi tính cố chăm chỉ làm ăn thêm 3-4 năm nữa, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm làm việc và số vốn rồi sẽ về Việt Nam lập nghiệp", chị Hương nói.